(Nguồn: baohatinh.vn )

Tháng 11/2018, Sở KH&CN tổ chức hội nghị sơ kết Đề án hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2015 – 2020. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đặng Quốc Vinh tới dự và phát biểu chỉ đạo.

Đến hiện tại, Hà Tĩnh có 1.267 đối tượng sở hữu công nghiệp được đăng ký bảo hộ, tăng hơn 4 lần so với năm 2015 trở về trước. Theo kết quả đánh giá cho thấy, các tổ chức, cá nhân được hỗ trợ thiết kế, đăng ký nhãn hiệu đã phát huy tốt hiệu quả, tăng trưởng từ thương hiệu mang lại.

Hà Tĩnh hiện có 1.267 đối tượng sở hữu công nghiệp được đăng ký bảo hộ

Hoạt động tạo lập, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ cho các sản phẩm đặc sản, sản phẩm chủ lực của địa phương được quan tâm đẩy mạnh và phát huy hiệu quả. Thông qua đề án đã có 10 sản phẩm được đăng ký bảo hộ thương hiệu, chuẩn hóa về chất lượng và hệ thống nhận diện thương hiệu.

Nhiều sản phẩm đã xây dựng được hệ thống liên kết từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ với sự tham gia của các doanh nghiệp; công tác quảng bá, phát triển sản phẩm được tổ chức bài bản, có hệ thống. Sau khi được thiết lập quyền sở hữu trí tuệ, giá trị thương hiệu, giá trị của sản phẩm tăng từ 15 – 20% và giữ ổn định; thị trường tiêu thụ được phát triển theo chuỗi ngành hàng liên kết.

Hoạt động ứng dụng và khai thác các kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ, sáng kiến, sáng chế, giải pháp hữu ích bước đầu đã được các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân quan tâm, ứng dụng và phát huy hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đặng Quốc Vinh nhấn mạnh, qua 3 năm triển khai, với sự vào cuộc tích cực của hệ thống chính trị và các cấp, các ngành, đề án đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Số đơn đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp của tỉnh tăng gấp 4 lần khi chưa có đề án và đứng trong nhóm đầu về đăng ký quyền sở hữu trí tuệ so với các tỉnh Bắc Trung Bộ.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng chỉ rõ, mặc dù đạt được nhiều kết quả nhất định, tuy nhiên, nhận thức của người dân về sở hữu trí tuệ chưa theo kịp xu thế phát triển; dù được hỗ trợ, quan tâm nhưng việc tiếp cận, khai thác chính sách của người dân chưa cao; lãnh đạo một số địa phương còn thiếu quan tâm đến hoạt động sở hữu trí tuệ…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các địa phương quan tâm về hoạt động SHTT, đặc biệt công tác tuyên truyền, hỗ trợ xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm đặc sản, làng nghề truyền thống của địa phương, nhằm triển khai Đề án OCOP gắn với xây dựng thương hiệu.

Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh ngoài các hoạt động sản xuất, kinh doanh cần chú trọng đến công tác đăng ký, phát triển quyền sở hữu trí tuệ. Nâng cao chất lượng hàng hóa, đổi mới công nghệ, đa dạng hóa sản phẩm; xây dựng hình ảnh, uy tín thương hiệu với người tiêu dùng, nhằm góp phần đưa thương hiệu doanh nghiệp Hà Tĩnh vươn ra thị trường quốc tế.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng mong muốn Bộ KHCN, Cục Sở hữu trí tuệ tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ, giúp đỡ Hà Tĩnh đẩy mạnh hoạt động sở hữu trí tuệ. Đặc biệt là hỗ trợ Hà Tĩnh phát triển tài sản trí tuệ cho các sản phẩm đặc sản, làng nghề truyền thống theo chương trình hỗ trợ của quốc gia. Sớm có giải pháp rút ngắn thời gian đăng ký bảo hộ thương hiệu.

 

 

 

 

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *