Như đã đề cập ở các phần trước, dự án xây dựng nhãn hiệu tập thể Mộc Thái Yên đã chính thức được triển khai. Chúng ta đã biết được tầm quan trọng của việc đăng ký nhãn hiệu tập thể và một số kiến thức tổng quan về nhãn hiệu tập thể.  Tuy nhiên, việc đăng ký nhãn hiệu tập thể không hề đơn giản mà đòi hỏi một quá trình với nhiều công sức và thời gian cùng sự phối hợp thực hiện bài bản của nhiều tổ chức đơn vị liên quan.

Việc đăng ký nhãn hiệu tập thể Mộc Thái Yên trước tiên phải tuân thủ theo các quy định của luật sở hữu trí tuệ, đồng thời phải phù hợp với điều kiện thực tế của làng nghề Thái Yên. Về cơ bản, đăng ký nhãn hiệu tập thể Mộc Thái Yên bao gồm một số nội dung quan trọng như sau:

Điều tra, khảo sát, thu thập thông tin ban đầu về sản phẩm

Việc điều tra khảo sát nhằm xác định các thông tin liên quan tới nguồn gốc, nguyên liệu, đặc trưng, quy trình sản xuất, bảo quản… sản phẩm đồ mộc Thái Yên từ đó làm cơ sở để triển khai các nội dung tiếp theo.

Xác định tiêu chí đặc trưng, chất lượng chung cho sản phẩm mang NHTT “Mộc Thái Yên”, xây dựng bản đồ khoanh vùng sản xuất.

Bộ tiêu chí này nhằm mục đích chỉ dẫn cho công chúng về đặc trưng và chất lượng chung của sản phẩm từ đó nhằm khuếch trương, quảng bá cho sản phẩm của vùng. Vì vậy việc xác định cần được tiến hành một cách kỹ lưỡng dựa trên các kết quả điều tra, phân tích, kiểm nghiệm sản phẩm và tham vấn ý kiến của các cơ quan, tổ chức, chuyên gia có liên quan từ đó ban hành bộ tiêu chí đặc trưng, chất lượng chung cho sản phẩm đồ mộc Thái Yên.

Đồng thời, cũng cần xây dựng bản đồ khoanh vùng sản xuất. Thực tế không chỉ xã Thái Yên mà các địa phương xung quanh như Đức Thịnh, Đức Thanh nếu có thể đảm bảo các sản phẩm mang tiêu chí đặc trưng và chất lượng chung như đã nói ở trên có thể sử dụng nhãn hiệu tập thể “Mộc Thái Yên” cho sản phẩm của mình. Chỉ khi các địa phương cùng sử dụng, chung sức phát triển thì nhãn hiệu Mộc Thái Yên mới thực sự phát huy được hết vai trò của mình, trở thành một công cụ quảng bá sản phẩm hiệu quả, đồ mộc Thái Yên mới hy vọng có thể khẳng định chỗ đứng vững chắc trong thị trường trong nước và nước ngoài.

Xác định chủ sở hữu đứng tên đăng ký NHTT “Mộc Thái Yên”

Chủ sở hữu NHTT là người đứng tên trong Giấy chứng nhận đăng ký bảo hộ NHTT do Cục Sở hữu trí tuệ cấp. Chủ sở NHTT thực hiện việc quản lý NHTT theo Quy chế sử dụng nhãn hiệu đã được các thành viên thống nhất. Sau khi xác định chủ sở hữu nhãn hiệu, cần xin phép Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh cho phép sử dụng tên địa danh để đăng ký NHTT, hoàn tất hồ sơ đăng ký NHTT.

Thiết kế, thống nhất lựa chọn mẫu NHTT để đăng ký

Mẫu NHTT ngoài việc phải đáp ứng yêu cầu để đăng ký nhãn hiệu, tính thẩm mỹ, còn phaỉ thể hiện được các ý nghĩa gắn liền với sản phẩm, địa danh, lịch sử văn hóa của làng nghề. Vì vậy việc xây dựng mẫu NHTT đòi hỏi được tiến hành một cách bài bản từ việc lên ý tưởng thiết kế, thuê khoán đơn vị chuyên môn, đến việc tổ chức lấy ý kiến góp ý, chỉnh sủa hoàn thiện. Ngoài ra, phải tiến hành tra cứu, đánh giá sơ bộ các mẫu NHTT để đảm bảo về khả năng đăng ký bảo hộ.

Xây dựng Quy chế sử dụng NHTT

Theo quy định của luật Sở hữu trí tuệ, Hồ sơ đăng ký NHTT phải có Quy chế sử dụng NHTT. Quy chế này đồng thời là căn cứ pháp lý cơ bản để triển khai các hoạt động quản lý việc sử dụng NHTT của các tổ chức, cá nhân đủ điều kiện sử dụng. Bản quy chế này bao gồm một số nội dung cơ bản sau:

  •  Tên, địa chỉ, căn cứ pháp lý tổ chức là chủ sở hữu NHTT;
  •  Các tiêu chuẩn, điều kiện để được cấp, sử dụng NHTT;
  •  Tiêu chí, đặc tính, chất lượng của sản phẩm Mộc Thái Yên được chứng nhận để gắn NHTT;
  •  Trách nhiệm, quyền lợi của người sử dụng NHTT và trách nhiệm, quyền hạn của đơn vị quản lý NHTT;
  •  Cách thức sử dụng NHTT và phương pháp kiểm soát việc sử dụng NHTT;

Quy chế phải được xây dựng bảo đảm nguyên tắc tuân thủ các quy định pháp luật về sở hữu trí tuệ, phù hợp với đặc thù của sản phẩm, thuận tiện và dễ áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân khu vực có sản phẩm mang NHTT.

Trên đây là các nội dung quan trọng trong việc đăng ký NHTT Mộc Thái Yên. Để thực hiện hiệu quả các nội dung này cần sự chung tay góp sức của Ban ngành, chính quyền các cấp và các doanh nghiệp, hộ dân tại làng nghề, đặc biệt là sự hỗ trợ chỉ đạo về chuyên môn của Sở Khoa học Công nghệ Hà Tĩnh. Trước tiên cần xác định rõ vai trò và trách nhiệm của các bên liên quan từ đó đề ra hướng phối hợp thực hiện phù hợp nhất. Các bên liên quan cũng cần phải chủ động thể hiện vai trò của mình trong việc xây dựng nhãn hiệu.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *